Tiềm Năng Và Lợi Thế Phát Triển Của Tỉnh Bạc Liêu

Tỉnh Bạc Liêu thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giáp với 4 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang. Bạc Liêu nằm ở vị trí trung chuyển trên tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng của cả nước (quốc lộ 1A), cách thành phố Cần Thơ khoảng 110 km và thành phố Hồ Chí Minh khoảng 280 km; hiện nay còn có các tuyến đường mới như Nam Sông Hậu, Quản Lộ – Phụng Hiệp đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu. Hạ tầng cơ sở giao thông của Bạc Liêu tương đối hoàn chỉnh và thuận tiện cả đường bộ lẫn đường thủy, đây là điều kiện rất thuận lợi cho Bạc Liêu trong việc giao lưu, phát triển kinh tế.

Nhà Văn Hoá Tỉnh Bạc liêu

Tiềm Năng, Thế Mạnh Phát Triển Kinh Tế Tỉnh Bạc Liêu

Về Nông Nghiệp:

Bạc Liêu là vùng đất phù sa, thích hợp với việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện như trồng lúa, cây ăn trái, hoa màu với sản lượng lớn. Trong đó, 78 nghìn ha đất sản xuất lúa, hàng năm thâm canh 2 đến 3 vụ để đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao chất lượng lúa xuất khẩu, đây chính là điều kiện để tỉnh mời gọi đầu tư các dự án cánh đồng mẫu lớn; các nhà máy chế biến lương thực; chế biến rau, củ, quả; đầu tư công nghệ sau thu hoạch…

Vùng nước lợ rất thuận lợi để phát triển các mô hình sản xuất kết hợp như: Lúa – tôm; tôm – cua – cá, tôm càng xanh… Đất có khả năng trồng rừng, nuôi tôm, làm muối, có khoảng 15 nghìn ha diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Diện tích rừng và đất rừng chiếm khoảng 2% diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ.

Bạc Liêu có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, Phó Sinh… Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Bạc Liêu nối với biển bằng cửa Gành Hào, cửa Nhà Mát và cửa Cái Cùng.

Về Công Nghiệp – Tiểu Thủ Công nghiệp:

Đây là lĩnh vực được Bạc Liêu đẩy mạnh thu hút đầu tư trong những năm gần đây, tỉnh đang xúc tiến xây dựng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy hải sản; ngành công nghiệp cơ khí gia công kim loại; ngành công nghiệp hóa chất bao gồm cả hóa chất cơ bản, phân bón và hóa dầu, khí đốt, dược phẩm, hóa mỹ phẩm; ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm; ngành công nghiệp năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; sản xuất vật liệu xây dựng; các ngành công nghiệp hỗ trợ…

Về Thương mại, dịch vụ:

Hoạt động thương mại của Bạc Liêu diễn ra khá sôi động, các mặt hàng xuất khẩu chính của Bạc Liêu là gạo, thủy sản tăng rất nhanh trong những năm qua. Tỉnh hiện có hơn 10 mặt hàng chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường, gồm: gạo, thủy sản, muối, hàng thủ công mỹ nghệ … Trong đó, mặt hàng chủ lực, về xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu là thủy sản.

Về Du Lịch:

Thế mạnh du lịch của Bạc Liêu là du lịch sinh thái, du lịch tâm linh có các hệ thống chùa, đền của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer; có những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như: vườn chim, vườn nhãn; những di tích lịch sử – văn hoá như: Đồng Nọc Nạng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quần thể nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và đờn ca tài tử Nam bộ, đồng muối Bạc Liêu, hệ thống các đình, chùa của cả 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer. Bên cạnh những di tích vật thể thì Bạc Liêu còn độc đáo bởi những giá trị văn hóa phi vật thể như: Đờn ca tài tử; lễ hội Quán âm Phật Đài; lễ hội Phật giáo Thượng Ngươn, Trung Ngươn, Hạ Ngươn; lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Oóc-om-bóc, Đôn-ta của người Khmer; lễ Giỗ tổ cổ nhạc, lễ cúng Thanh minh…

Chính Sách Thu Hút, Ưu Đãi Đầu Tư:

Với tiềm năng và lợi thế của mình, tỉnh Bạc Liêu có chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; thương mại, văn hóa, thể thao và du lịch; lĩnh vực kết cấu hạ tầng, khu dân cư, đô thị; lĩnh vực y tế, môi trường.

Tất cả các dự án đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu đều được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, tuỳ thuộc vào địa bàn và lĩnh vực ưu đãi đầu tư, mức độ ưu đãi sẽ áp dụng khác nhau, nhưng chính sách ưu đãi của tỉnh là áp dụng mức ưu đãi cao nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu còn có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư như hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, quảng cáo sản phẩm, chuyển giao công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng đối với những dự án quan trọng ngoài khu công nghiệp, thưởng môi giới, giới thiệu dự án đầu tư và nhiều chính sách hấp dẫn khác.

5/5 - (1 bình chọn)