Giảm chi phí vận tải bắt đầu từ khâu quản lý

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu đổi mới ngay từ cách quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về vận tải trong bước đầu thực hiện giảm chi phí vận tải hiện đang quá cao.

Việc kết nối các loại hình vận tải để tạo ra chuỗi dịch vụ vận tải chi phí hợp lý ở Việt Nam chưa phát triển

Việc kết nối các loại hình vận tải để tạo ra chuỗi dịch vụ vận tải  có chi phí hợp lý ở Việt Nam chưa phát triển

Vận tải đa phương thức: Quá đắt và quá tệ

Chủ trì cuộc họp của Bộ GTVT chiều 21/2 về hiện đại hóa công tác điều hành nhà nước về vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng rất bức xúc cho rằng: Không thể chấp nhận được tình trạng chi phí vận tải ở VN thuộc diện cao nhất thế giới trong khi chất lượng dịch vụ lại thuộc nhóm thấp nhất . Chi phí vận tải quá lớn rõ ràng làm ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế, quản lý nhà nước cần phải tìm cách tháo gỡ.

Báo cáo mới đây nhất của Ngân hàng thế giới cho thấy, tại VN, chi phí logistics chiếm khoảng 21% GDP, trong đó vận tải chiếm khoảng 50 – 60% là mức quá cao so với chi phí logistics trung bình của thế giới khoảng 12% và của Mỹ là 9,9% GDP.

Lý giải điều này, báo cáo của Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết: Công tác điều hành vận tải của tất cả các chuyên ngành đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không đều còn rất nhiều hạn chế và khá lạc hậu – tuy mức độ có khác nhau ở mỗi chuyên ngành. Sự phối hợp của các chuyên ngành vận tải làm thành chuỗi cung ứng dịch vụ rất yếu, thật sự chưa có bàn tay của quản lý nhà nước một cách thích hợp để tạo sự kết nối cần thiết..

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu cũng cho rằng cần có sự can thiệp trong các chính sách quản lý điều hành nhà nước về vận tải. Phương thức vận tải ngày càng phụ thuộc nhiều vào đường bộ bất kể cung chặng, chủng loại hàng hóa là rất không hợp lý về chi phí và mất an toàn trong khi hệ thống cầu đường hiện nay nhiều tuyến lưu lượng quá lớn, năng lực chịu tải rất hạn chế. Vận tải đường sắt hiện nay tính cạnh tranh về giá cước và chất lượng dịch vụ thấp, không phát huy được ưu thế trong chuyên chở hành khách và hàng hóa khối lượng lớn và đi xa. Hàng không đã bắt đầu có hiện tượng quá tải mặc dù tính cạnh tranh còn thấp do giá cước cao. Ngoài ra, sự kết hợp các phương thức vận tải khác nhau (vận tải đa phương thức) để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phổ biến ở VN.

Chi phí vận tải quá cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế

Chi phí vận tải quá cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế

Giải quyết ngay những khâu trì trệ, bất hợp lý

Bộ trưởng Đinh La Thăng “rất sốt ruột” trước sự trì trệ trong quản lý điều hành của các chuyên ngành vận tải. Cho rằng đây cũng là một nguyên nhân lớn làm cho dịch vụ vận tải kém tính ổn định, giá thành cao. Bộ trưởng cho rằng lúc này quản lý nhà nước về vận tải cần rất tập trung tìm cách tháo gỡ, “việc gì cần làm thì phải làm ngay”.

Đứng về quản lý chung, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường điều tiết của nhà nước về thể chế chính sách để khuyến khích sự phát triển cân xứng, phù hợp từng chuyên ngành vận tải.

Tiền đầu tư, theo Bộ trưởng là không quá khó, cần phải linh hoạt để đề xuất hình thức huy động phù hợp. Ví dụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với những đơn vị làm ăn đang có lãi của hàng không để huy động tài chính đầu tư cho các phần mềm quản lý. Tiền đầu tư xây dựng một phần mềm cho điều hành chạy tàu đường sắt không đáng bao nhiêu khi cân nhắc với những hiệu quả nó mang lại.

Quan tâm mạnh mẽ đến phát triển nguồn nhân lực có trình độ và tư duy đổi mới là quan trọng hàng đầu để làm cơ sở cho đổi mới cách thức điều hành, quản lý ở các ngành hiện nay. Theo Bộ trưởng, đề ra một chính sách thích hợp, công khai về nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng, phối hợp với các trường đại học đào tạo theo địa chỉ có thể thu hút được nhân lực giỏi mà không tốn kém chi phí.

Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát giảm tối đa các khoản chi phí đầu tư bất hợp lý để giảm giá thành vận tải. “Đầu tư cho bảo dưỡng thường xuyên đường bộ vừa qua đã giảm tới 50% là 700 tỉ đồng/năm 2014 mà cho là cũng vẫn đảm bảo. Chi phí cho bảo trì thường xuyên đường sắt năm nay 1.800 tỉ, mà tới 90% trả lương thì làm gì còn hạ tầng nữa – phải thay đổi lại ngay cách chi tiêu này. Rồi máy bay, tôi thấy khởi động rồi mà còn phải chờ rất lâu để được đến lượt cất cánh, cứ mỗi phút khởi động chờ trực trên đường băng là 220USD thì rất sốt ruột..”

giaothongvantai

5/5 - (1 bình chọn)