“Xe vua” chở gỗ tàn phá quốc lộ

Những đoàn xe chở gỗ siêu nặng ước chừng lên đến cả trăm tấn ngày đêm lưu thông trên QL9, đường 15D, đường Hồ Chí Minh theo các hướng cửa khẩu Lao Bảo và La Lay về TP Đông Hà (Quảng Trị). Điều đáng ngạc nhiên là những phương tiện này thản nhiên qua mặt lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ… 

Xe chở gỗ hoành hành trên QL9

Xe chở gỗ hoành hành trên QL9

Đường vừa làm xong đã… nát
15h30 ngày 19/3, PV Báo Giao thông ngược TP Đông Hà theo QL9, qua cầu Đakrông, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây  đi Cửa khẩu La Lay. Sau 2h, chúng tôi có mặt tại thị trấn Tà Rụt, huyện Đakrông cách TP Đông Hà gần 120km. Tại đây, phóng viên tận mắt chứng kiến cả bãi gỗ rộng mênh mông xếp đầy những cây gỗ có chiều dài lên đến 20m, đường kính đến hai người ôm. Trong bãi gỗ luôn có sẵn cẩu chuyên dụng dùng bốc gỗ lên xe tải chở đi.

[box type=”shadow” ]12h ngày 20/3 khi quay trở về, chúng tôi lại tiếp tục bắt gặp 3 “xe vua” chở gỗ đang xuôi theo QL9 về TP Đông Hà, cả 3 xe này lần lượt về các điểm tập kết mà không gặp trở ngại gì(!?) [/box]

Anh Phan Văn Tính – Hạt trưởng Hạt QLĐB La Lay cho biết: Thị trấn Tà Rụt và xã A Ngo có cả thảy 2 bãi tập kết gỗ như vậy. Số gỗ này được chuyển về từ nước bạn Lào qua cửa khẩu La Lay. Cứ 1, 2 ngày lại có đoàn xe đến dồn gỗ chở về Đông Hà.

Từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây rẽ lên Cửa khẩu La Lay phải qua con đường độc đạo duy nhất là QL15D. Mặc dù đường núi khá đẹp, nhỏ hẹp có nhiều khúc cua tay áo nhưng đây lại là tuyến đường chính để cánh lái buôn vận chuyển gỗ. Tuyến đường mới nâng cấp, cải tạo cách đây chừng 15 tháng với số tiền 68 tỉ đồng đạt tiêu chuẩn đường cấp 5, 6 miền núi, nhưng đến thời điểm chúng tôi đi thì nhiều đoạn đã bị phá nát.
Theo Hạt trưởng Phan Văn Tính, từ trước Tết Âm lịch đến nay, xe gỗ Lào đổ về có ngày cả chục chuyến. Các xe đều ở dạng “siêu trường, siêu trọng”, nên đường không thể chịu nổi. Đoạn hỏng nặng nhất dài khoảng 3km từ đồn biên phòng lên Cửa khẩu La Lay.
18h, chuyến xe gỗ đầu tiên bắt đầu rời A Ngo hướng về TP Đông Hà. Phía đuôi xe, cây gỗ dài chìa ra gần 10m. Khi xe vào cua, cây gỗ lại vung vẩy khiến cả chiếc xe chao đảo như thuyền gặp sóng. Để cảnh báo trong đêm tối, lái xe dùng cả đèn quay giống loại đèn của xe cấp cứu treo lơ lửng phía sau.
QL15D đoạn cửa khẩu La Lay bị phá nát do xe chở gỗ quá tải
QL15D đoạn cửa khẩu La Lay bị phá nát do xe chở gỗ quá tải
Theo chân “xe vua” trên QL9
20h, chúng tôi tiếp tục lên Cửa khẩu Lao Bảo theo QL9, nơi mà ngày ngày vẫn có đoàn xe được mệnh danh “xe vua” chở gỗ về xuôi. Tại Km 69+200, cách Cửa khẩu Lao Bảo tên thường gọi Cổng B khoảng 1km, xe của chúng tôi suýt bị xe tải 37R-0485 nuốt trọn dù đi đúng phần đường. Tại đây, chúng tôi phát hiện đoàn xe có 4 chiếc lần lượt nối đuôi nhau lấn đường để cắt cua vì xe quá dài và nặng. Tất cả đều là xe sơ-mi rơ-moóc  6 trục BKS 37R–0485; 37R-003.64; 37R-003.40; 37R-000.92 chậm rãi trượt dốc. Mặc dù các xe này được ngụy trang khéo léo bằng cách phủ kín bạt, nhưng phần gỗ dài vẫn thò ra khỏi đuôi xe hơn 1m.
Một người dân bán hàng ăn ngay tại ngã ba QL9 rẽ cầu Đakrông, nằm sát bên Trạm kiểm soát liên ngành cho biết: “Bữa mô hắn cũng đi cả đoàn, ngày đêm chạy hết, cứ dừng lại kiểm tra chi rứa vài phút là hắn kéo nhau đi. Chẳng khi mô thấy hắn bị phạt, chắc chỉ có xe vua, chúa mới như rứa”. Gọi là “xe vua” cũng có phần đúng bởi không chỉ chở quá khổ, quá tải mà khi tham gia giao thông đoàn xe này ngang nhiên đè vạch chiếm hết phần đường của các phương tiện khác. Đặc biệt, cứ chốc chốc lại có một vài xe đạp ga bứt tốc đè đầu các phương tiện đi trước mà không cần để ý đó là khúc cua hay đoạn đường đèo dốc.
Đến 8h30, đoàn xe bắt đầu đi qua chốt kiểm tra liên ngành gần cầu Đăkrông. Một CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, 3 trong 4 xe dừng lại, chỉ một lái xe chạy đến xuất trình giấy tờ. Chưa đầy 3 phút sau, cả đoàn xe lại tiếp tục lên đường!?
Gần 1 tiếng sau, đoàn xe đi đến Km 36+300 nơi đóng trụ sở Trạm TTKS Đường 9 thuộc Phòng CSGT Quảng Trị. Ngay trước cổng trạm, một tổ TTKS đang ra làm nhiệm vụ, thế nhưng khi thấy đoàn xe đi tới, 2 CSGT không có bất cứ phản ứng gì. Đến khi thấy xe của chúng tôi dừng cách đó 5m, 2 CSGT này lập tức lên xe tuần tra, rồi vội vã lùi vào cổng trạm, mặc cho 3 xe gỗ khác đi qua!?
Đoàn xe chở gỗ cứ thế nối đuôi nhau đi thẳng về Khu công nghiệp Nam TP Đông Hà mà không vấp phải bất cứ sự ngăn cản nào của lực lượng chức năng. Đến lúc này chúng tôi mới hiểu tại sao người dân gọi chúng là “xe vua”.
Sáng 20/3, PV tiếp tục ngược trở lại Cửa khẩu Lao Bảo. Tại đây, có khoảng hơn 30 xe tải các loại chất đầy gỗ đang chờ làm thủ tục thông quan. Tại sân chờ, có hơn 10 “cửu vạn” đang hì hục dồn gỗ từ xe Lào sang xe Việt Nam. Theo một lái xe mẹ con (xe của Lào có một thùng, kéo theo một rơ-moóc) chiếc xe mà anh ta đang điều khiển chở 90 khối gỗ, trong đó phần thùng mẹ 50 khối, thùng con 40 khối, đây là loại gỗ hương đã xẻ hộp nên có trọng lượng trên 90 tấn. Chỉ sang chiếc xe 6 chân giống như xe PV gặp trên đường, lái xe này cho biết: Xe đó, hắn có khối lượng gỗ gần tương đương với xe mẹ con, trọng lượng ước chừng 80 khối. Các loại gỗ khác nhau thì có trọng lượng khác nhau, ví như: 1m3  gỗ hương là 1 tấn, Cẩm Lai 1,2 tấn/m3, gỗ Trắc 1,2 tấn/m3… Đây là những loại gỗ chính thường được vận chuyển qua cửa khẩu Lao Bảo.
giaothongvantai
Đánh Giá Cho Trọng Tấn !