“Lợi ích nhóm” gây áp lực lớn lên việc cân xe

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 3/4 – ngày thứ 3 triển khai kiểm soát xe quá tải trên cả nước, ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, lợi ích từ việc chở quá tải đang gây áp lực rất lớn lên lực lượng chức năng khi cân xe quá tải.

Kiểm tra tải trọng xe tại Hà Nam

Kiểm tra tải trọng xe tại Hà Nam

Do tình trạng xe chở quá tải đã bị để quá lâu mới được xử lý khiến áp lực dồn về các trạm cân kiểm tra, xử phạt xe chở quá tải vì thế càng lớn, thưa ông? 
Đúng thế! Bởi việc kiểm soát tải trọng xe, ngăn chặn xe quá tải muốn hiệu quả, các cơ quan chức năng phải tiến hành tổng thể các biện pháp.
Trước hết là phải có các hàng rào kĩ thuật không cho nhập xe có thùng hàng quá kích cỡ; Siết chặt đăng kiểm, quản lý bốc xếp hàng hóa từ đầu nguồn hàng như các mỏ, nhà máy, bến cảng, đến công tác tuần tra kiểm soát trên đường, sàng lọc những xe có biểu hiện vi phạm thấy rõ. Cân và xử phạt xe quá tải tại các trạm cân chỉ là khâu cuối.
Do cơ quan chức năng đã bỏ một thời gian quá dài không kiểm soát nên chở quá tải đã trở thành một cuộc đua, người nọ nhìn người kia làm được thì làm theo. Nay hoạt động kiểm soát xe quá tải được tiến hành động chạm đến lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của những người vi phạm pháp luật chở quá tải khiến họ tìm mọi cách đối phó, thậm chí chống đối, gây áp lực.
Đâu là giải pháp quan trọng cho cuộc đấu tranh này?
Giải pháp quan trọng được Chính phủ chỉ ra là cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Có xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật, mới răn đe được những người nhen nhóm ý định chống đối.
Dư luận xã hội đang trông chờ các cơ quan pháp luật của Hải Phòng, Hà Nam, TT-Huế sớm xử lý thật nghiêm minh các đối tượng cố tình phá hoại trạm cân, chống người thi hành công vụ mấy ngày vừa qua.
Xử lý như thế nào với cán bộ tiêu cực, thưa ông?
Với cán bộ, các hành động bao che, dung túng, nhận hối lộ phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật. Người của cơ quan nào thì cơ quan đó phải xử lý, thậm chí xử lý hình sự. Với cán bộ của ngành Giao thông tiêu cực chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm 24/24h. Theo ông, cần chế độ gì để kịp thời động viên lực lượng này?
Lực lượng chức năng hiện nay ra quân xử lý vi phạm 24/24h, làm ca kíp đêm hôm, các chính sách lương và bồi dưỡng ăn ca hiện áp dụng theo quy định của pháp luật. Trước mắt, đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm kịp thời, không để chậm trễ chế độ của anh em làm nhiệm vụ. Lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo tạo điều kiện về chế độ chính sách bồi dưỡng cho anh em. Cùng đó, cũng cần rà soát lại các quy định xem đã thỏa đáng hay chưa, nhìn trên bình diện chung của xã hội.
atgt
[box type=”shadow” ] 17 địa phương duy trì cân xe 24/24h Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, 3 ngày đầu ra quân, các địa phương đã triển khai sử dụng 36/63 bộ cân lưu động do Tổng cục Đường bộ VN cung cấp, đạt 58,7%. Có 17 địa phương duy trì hoạt động kiểm tra liên tục 24/24h là: Lâm Đồng, Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Yên Bái, Kon Tum, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Trị, Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Yên. Trong 3 ngày đầu ra quân, đã kiểm tra 1.952 xe, trong đó phát hiện vi phạm 437 xe, chiếm tỉ lệ 22,3%. Kết quả kiểm tra của 8 đoàn công tác thuộc Tổng cục ĐBVN cho thấy, các tỉnh phía Bắc và miền Trung thực hiện tương đối tốt. Các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ triển khai chậm (mới có một số tỉnh như: Lâm Đồng, TP. HCM, Bến Tre… triển khai, các tỉnh còn lại hầu như chưa triển khai). Cũng theo Tổng cục Đường bộ VN, 3 ngày qua có một số lượng lớn các xe tải đang dừng hoạt động, “án binh” để theo dõi thái độ của cơ quan chức năng những ngày tiếp theo. Số xe lưu thông trên đường phần lớn chở đúng tải. Hiện nay còn 27/63 địa phương chưa đưa bộ cân được cấp vào hoạt động là: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long. Theo báo cáo của các Sở GTVT, lý do chưa đưa bộ cân vào hoạt động là UBND tỉnh chưa thành lập trạm kiểm tra tải trọng xe, chưa bố trí biên chế, kinh phí hoạt động, Sở Tài chính chưa làm thủ tục để chuyển giao bộ cân cho Sở GTVT quản lý, sử dụng, Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt chưa tạo điều kiện và yêu cầu thủ tục rườm rà trong việc đăng ký xe ô tô của bộ cân, lực lượng Công an một số địa phương chưa phối hợp thực hiện… [/box]
Đánh Giá Cho Trọng Tấn !