Không sợ cân xe, chỉ sợ không công bằng

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nhận định, DN sợ nhất là cơ quan chức năng làm không đến nơi đến chốn, chỗ làm chỗ không khiến doanh nghiệp chịu thiệt.

Trong các cuộc họp Hiệp hội Vận tải ô tô VN, nhiều doanh nghiệp phát biểu ủng hộ việc các cơ quan chức năng kiểm soát xe quá tải phá hoại đường bộ. Song đâu là hành động cụ thể để thể hiện quan điểm này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn ThanhPhải khẳng định rằng, các doanh nghiệp chân chính đều muốn làm ăn lâu dài, ổn định. Do đó, khi Bộ GTVT và các cơ quan chức năng quyết định khởi động việc kiểm soát xe quá tải, chúng tôi rất hoan nghênh.
Nhiều ý kiến trong Hiệp hội  mong muốn được Bộ GTVT chấp thuận cho doanh nghiệp vận tải cùng đứng ra giám sát hoạt động cân xe tại tất cả các trạm cân lưu động hiện nay. Đây là hoạt động tự nguyện từ phía doanh nghiệp, để cùng với Bộ GTVT đảm bảo cho việc cân xe diễn ra trôi chảy, cùng tháo gỡ các trục trặc vướng mắc ngay tại chỗ. Tới đây, chúng tôi sẽ cùng bàn thêm về ý kiến này trước khi có đề xuất chính thức với Bộ GTVT.
Dù mong muốn như vậy, song thực tế, khi lực lượng chức năng bắt đầu cân xe thì phía vận tải lại có những phản ứng khá tiêu cực như: “Ém xe” để nghe ngóng hoặc tìm cách lọt qua trạm. Cá biệt còn có sự phản kháng của lái xe, phá hoại trạm cân. Ông nghĩ gì về điều này?
Tôi thừa nhận là chưa thật sự có nhiều phản hồi tích cực từ phía người làm vận tải. Phải nói rằng, việc quyết liệt kiểm soát tải trọng xe đã khiến doanh nghiệp vận tải và những đối tượng liên quan bị động chạm đến thu nhập, đến túi tiền. Một số đối tượng quá khích, cứng đầu có phản ứng manh động. Tôi cho rằng đây cũng là một phép thử của những đối tượng có chỗ dựa dẫm, bị động chạm đến lợi ích nhóm, như kiểu “nắn gân” xem phản ứng của cơ quan chức năng ra sao.
Cũng xin nói thẳng thắn là một bộ phận không nhỏ người làm vận tải hiện cho rằng Bộ GTVT và Chính phủ chưa chắc đã đủ quyết liệt và kiên trì triển khai kiểm soát xe quá tải được mạnh mẽ, rốt ráo và lâu dài. Do đó phản ứng của họ là nghe ngóng, chờ xem hành động những ngày tới của chính quyền, của người thừa hành công vụ ra sao, rồi chờ xem người cùng nghề phản ứng thế nào.
Phản ứng như vậy, theo tôi cũng dễ hiểu, vì chở quá tải đã diễn ra quá lâu và rộng khắp. Lợi nhuận từ chở quá tải là lớn và liên quan đến nhiều đối tượng chứ không chỉ với riêng người làm vận tải. Tình hình hiện nay là, nếu như có 10% những đối tượng cố tình chống đối và khoảng gấp 3-4 lần số đó do dự thì cũng có thể thấy rõ đây là “cuộc chiến” khá gay go.
Xe cơi nới thùng hàng vẫn chở quá tải trên QL1 trong ngày đầu triển khai đồng loạt cân xe (1/4/2014)
Xe cơi nới thùng hàng vẫn chở quá tải trên QL1 trong ngày đầu triển khai đồng loạt cân xe (1/4/2014)
Vậy theo  ông, những người làm vận tải mong chờ điều gì, có đề nghị cụ thể gì để cùng tháo gỡ tình thế khó khăn?
Chúng tôi đề nghị Bộ GTVT chủ trì và kiến nghị lên Chính phủ chỉ đạo làm mạnh mẽ, quyết liệt, cân xe đồng loạt trên tất cả các tuyến đường, cân xe toàn bộ 24/24h và làm lâu dài cho đến khi tình trạng chở quá tải chấm dứt hẳn. Hiện nay thông tin tôi được biết là không ít địa phương chưa mặn mà với kế hoạch kiểm soát xe quá tải. Mới có trên 30 tỉnh, thành triển khai bộ cân xe lưu động của Bộ GTVT trang cấp và chỉ có 17 tỉnh, thành tiến hành cân xe liên tục 24/24h

Cùng đó, Bộ GTVT chỉ đạo cho cân tất cả các xe có biểu hiện quá tải của tất cả các chủng loại xe. Xe 1 tấn hiện nay cũng chở vượt lên ít nhất là 2 tấn. Xe 3,5 tấn thì chở 7 tấn. Xe 5 tấn chở lên 10 tấn. Xe chở khách trong bụng xe, dưới gầm ghế cũng chất chật cứng hàng hóa. Nếu chỉ cân xe tải lớn cũng sẽ bỏ sót rất nhiều đối tượng xe phá hoại đường sá.

Ngoài ra, cũng cần công khai rõ ràng tại các Sở GTVT, trạm đăng kiểm, tại các trạm cân, trên các phương tiện đại chúng xem từng loại xe được chở bao nhiêu tải trọng, cho từng trục xe và cho toàn bộ xe; Cách thức cân xe áp dụng thống nhất với tất cả các trạm cân xe như thế nào, cho lái xe được biết rõ, để giảm thiểu các thắc mắc hiện nay của lái xe và doanh nghiệp. Bộ GTVT cũng cần chỉ đạo kiểm soát chặt cả việc xếp hàng hóa của chủ hàng, chủ mỏ, chủ nhà máy và của các cá nhân trực tiếp cân bốc xếp hàng hóa lên xe.
Kiểm soát xe quá tải sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Ông có cho rằng đây là điều khó chấp nhận lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp?
Theo tôi, dân kinh doanh sợ nhất là phải cạnh tranh không lành mạnh. Giá cước vận tải ban đầu có thể tăng một chút, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể giảm, song người kinh doanh đàng hoàng hiện nay mong mỏi nhất là trật tự thị trường vận tải được lập lại, doanh nghiệp lớn – nhỏ có sự phân khúc thị trường rõ ràng – đây là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp vận tải hiện nay.
Theo ông, cần giải pháp gì để lập lại trật tự thị trường vận tải?
Hiện nay, các đối tượng kinh doanh vận tải chỉ dưới 10% là hoạt động với mô hình doanh nghiệp, còn lại là HTX và các hộ tư nhân. Tôi cho rằng cần theo hướng yêu cầu chặt chẽ về điều kiện kinh doanh vận tải. Phải là các doanh nghiệp, có bộ máy quản lý kĩ thuật ATGT, quản trị doanh nghiệp tập trung mới được phép kinh doanh vận tải ô tô. Các HTX cũng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như với doanh nghiệp để được tham gia vào lĩnh vực này.
Đánh Giá Cho Trọng Tấn !